Tuesday, 16/07/2024 | 06:58
Chào mừng các bạn đến với Cổng thông tin điện tử huyện Nghi Xuân
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chỉ đạo quyết liệt, thực hiện hiệu quả chuyển đổi số và Đề án 06

Chiều 10/7, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì Phiên họp lần thứ 9 của Ủy ban và Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ, Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2024 về chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06 của Chính phủ. Cùng dự có Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban. Phiên họp và Hội nghị được truyền trực tuyến tới các bộ, ngành, 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Quang cảnh phiên họp.

Phát biểu ý kiến khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, chuyển đổi số đã trở thành xu thế tất yếu, yêu cầu khách quan và lựa chọn chiến lược của nhiều quốc gia. Tại Việt Nam, chuyển đổi số đã đến “từng ngõ, từng nhà, từng người”. Nhiệm vụ quan trọng hiện nay của chúng ta như thúc đẩy tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, thúc đẩy các động lực tăng trưởng cũ, khai phá các động lực tăng trưởng mới, các ngành mới nổi… đều có quan hệ mật thiết đến chuyển đổi số. Đề án 06 được xác định là nhiệm vụ then chốt, quan trọng và là một trong những “điểm sáng”, “mô hình hay” của chuyển đổi số quốc gia

Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo, triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện ngày càng hiệu quả, thiết thực công cuộc chuyển đổi số quốc gia; đẩy mạnh chuyển đổi số trên hầu hết các lĩnh vực; tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách nhằm thúc đẩy phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, công dân số. Đồng thời, tổ chức triển khai quyết liệt Đề án 06 từ Trung ương đến cơ sở, được người dân, doanh nghiệp đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao; góp phần thay đổi phương thức quản lý và nâng cao chất lượng, hiệu quả trong quản lý công dân; tiết kiệm thời gian, công sức; tạo nền tảng quan trọng để triển khai các dịch vụ công trực tuyến.

Chỉ đạo quyết liệt, thực hiện hiệu quả chuyển đổi số và Đề án 06 ảnh 1

Tuy nhiên, để hoàn thành các mục tiêu của Chương trình Chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06, phía trước chúng ta còn rất nhiều việc phải làm; còn có một số việc đề ra nhưng chậm tiến độ; có những việc chúng ta nhìn thấy “nguy cơ” khó có thể hoàn thành nếu không chỉ đạo quyết liệt, kiên trì, nhất quán, đồng bộ từ Trung ương đến cơ sở. Để tiếp tục thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chuyển đổi số quốc gia và triển khai Đề án 06, thời gian tới, Thủ tướng đề nghị các đại biểu cùng nhau thảo luận, phân tích, đánh giá những nội dung sau:

Thứ nhất, đánh giá thẳng thắn, rõ ràng, khách quan, minh chứng bằng số liệu cụ thể việc triển khai thực hiện Kế hoạch hành động năm 2024 và những kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm 2024.

Thứ hai, nhận diện các tồn tại, hạn chế, yếu kém, vướng mắc, rào cản, điểm nghẽn, nhất là về thể chế, cơ chế, chính sách; chỉ rõ những nội dung còn chậm tiến độ (thuộc trách nhiệm của bộ, ngành, địa phương, đơn vị nào). Đồng thời, xác định nguyên nhân, rút ra các bài học kinh nghiệm.

Chỉ đạo quyết liệt, thực hiện hiệu quả chuyển đổi số và Đề án 06 ảnh 2

Thứ ba, chia sẻ những kinh nghiệm hay, bài học quý, cách làm sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành và tổ chức thực hiện (phát triển hạ tầng số; cung cấp dịch vụ công trực tuyến; phát triển cơ sở dữ liệu quốc gia, kết nối chia sẻ thông tin, hình thành dữ liệu lớn; đào tạo và phát triển nhân lực; các mô hình, cách làm hay của một số bộ, ngành, địa phương...).

Thứ tư, xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm mang tính đột phá thời gian tới? Đẩy mạnh phát triển kinh tế số như thế nào để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội nói chung? Đẩy mạnh xây dựng, kết nối, tích hợp, chia sẻ các nền tảng số và cơ sở dữ liệu? Vấn đề bảo đảm an ninh, an toàn trên môi trường mạng? Vấn đề tăng hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến của người dân? Đẩy mạnh cắt giảm các thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ?….

Chỉ đạo quyết liệt, thực hiện hiệu quả chuyển đổi số và Đề án 06 ảnh 3

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, về tình hình chuyển đổi số quốc gia 6 tháng đầu năm 2024, đối với dịch vụ công trực tuyến: Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình (trên tổng số hồ sơ thủ tục hành chính) cả nước đạt 42% (cuối năm 2023 là 17%); bộ, ngành đạt 61% (cuối năm 2023 là 38%); địa phương đạt 17% (cuối năm 2023 là 9%). Kinh tế số 6 tháng đầu năm ước đạt tăng trưởng 22,4% và tỷ trọng kinh tế số trong GDP ước đạt 18,3%. Doanh thu lĩnh vực công nghệ thông tin (kinh tế số ICT) tăng trưởng 26% so cùng kỳ năm 2023. Tốc độ tăng trưởng doanh số trên sàn giao dịch bán lẻ trực tuyến tăng 80% so cùng kỳ năm 2023. Số lượng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tăng 8% so cùng kỳ.

Về quản trị số: Lần đầu tiên sau hơn 20 năm, việc giám sát, đo lường DVC trực tuyến được thực hiện tự động, online; hệ thống giải quyết thủ tục hành chính được thực hiện đánh giá chất lượng online. Lần đầu tiên Việt Nam đo lường chất lượng mạng viễn thông di động và băng rộng cố định trực tuyến bằng công cụ Make in Vietnam. Giao dịch chia sẻ dữ liệu giữa các nền tảng, hệ thống thông tin qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia 6 tháng đầu năm tăng mạnh 67% so cùng kỳ năm 2023.

Về kết quả thực hiện các chỉ tiêu theo Kế hoạch hoạt động của Ủy ban Quốc gia năm 2024: Phát triển doanh nghiệp công nghệ số đạt 50.350 doanh nghiệp/mục tiêu 48.000 doanh nghiệp (đạt tỷ lệ 104,9%). Triển khai dịch vụ công thiết yếu: 43/53 dịch vụ (đạt tỷ lệ 81,1%).

Chỉ đạo quyết liệt, thực hiện hiệu quả chuyển đổi số và Đề án 06 ảnh 4

Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của các bộ, ngành, địa phương kết nối với hệ thống giám sát, đo lường mức độ cung cấp và sử dụng dịch vụ: 19/21 bộ, cơ quan ngang bộ (tăng 9 bộ so với cuối năm 2023) và 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (tăng 26 tỉnh, thành phố so với cuối năm 2023) có hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính kết nối toàn diện với Hệ thống EMC, đạt tỷ lệ 97,6%.

Hệ thống thông tin báo cáo của các bộ, ngành, địa phương kết nối với hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ, Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ: 15/22 bộ, cơ quan ngang bộ và 63/63 tỉnh, thành phố đã kết nối, đạt tỷ lệ 91,8%.

Chỉ đạo quyết liệt, thực hiện hiệu quả chuyển đổi số và Đề án 06 ảnh 5

Các thôn, bản đang lõm sóng và đã có điện lưới quốc gia được phủ sóng băng rộng di động: 256/tổng số 896 thôn, bản lõm sóng, có điện; đạt tỷ lệ 28,6%.

Sử dụng Nền tảng hỗ trợ quản lý bảo đảm an toàn thông tin theo cấp độ: 100% các bộ, ngành đã sử dụng.

Tỷ lệ cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên toàn quốc triển khai giải pháp hóa đơn điện tử phát hành hóa đơn ngay từ máy tính tiền: đạt tỷ lệ 92,2% (tương đương 14.727/15.981 cửa hàng)…

Phát biểu ý kiến kết luận, đề cập nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục nâng cao nhận thức, vai trò, vị trí, tầm quan trọng của chuyển đổi số, nhất là phát triển kinh tế số, đặc biệt là xây dựng cơ sở dữ liệu; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể trong chuyển đổi số quốc gia; tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu cho bộ, ngành, địa phương mình, chia sẻ cơ sở dữ liệu cho các bộ, ngành, địa phương khác, tập trung về cơ sở dữ liệu quốc gia.

Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng, trưởng ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quán triệt, trực tiếp chỉ đạo, thúc đẩy công việc này, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, động lực tăng trưởng, thực hiện với tinh thần quyết liệt, "chỉ bàn làm, không bàn lùi"; đã cam kết phải ra sản phẩm cụ thể, người dân phải được hưởng thụ thật; phấn đấu đến năm 2025, 100% dịch vụ công trực tuyến được thực hiện toàn trình; 50% dân số trưởng thành sử dụng dịch vụ công trực tuyến; 100% hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được gắn định danh cá nhân; 90% người dân, doanh nghiệp hài lòng trong giải quyết thủ tục hành chính; 50% thủ tục hành chính, giấy tờ của người dân liên quan dữ liệu dân cư được cắt giảm... Khẩn trương xử lý các nhiệm vụ quá hạn, tồn đọng trong giai đoạn 2023-2024; yêu cầu 12 bộ, ngành và 20 địa phương chưa ban hành Kế hoạch, khẩn trương ban hành Kế hoạch chuyển đổi số năm 2024 trước ngày 20/7.

Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức họp, thống nhất nội dung với các bộ, ngành liên quan, khẩn trương hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành “Chiến lược Phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030” trong tháng 7/2024.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” trong tháng 7/2024; Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố số liệu tỷ trọng kinh tế số trong GDP hằng năm theo đúng quy định; yêu cầu các bộ, ngành xử lý công việc phải có “đầu ra”; mạnh dạn làm thí điểm, không cầu toàn, không nóng vội.

Về đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, Thủ tướng yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn trương xây dựng, hoàn thiện trình Chính phủ ban hành các văn bản thi hành Luật Giao dịch điện tử, Luật Viễn thông (có hiệu lực từ ngày 1/7/2024); sớm nghiên cứu xây dựng, ban hành tiêu chuẩn về địa chỉ số quốc gia trong tháng 7/2024.

Bộ Tài chính sớm trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng kinh phí thường xuyên ngân sách nhà nước để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp, mở rộng dự án đã đầu tư xây dựng; mua sắm tài sản, sửa chữa, nâng cấp trang thiết bị máy móc (hoàn thành trước ngày 30/7/2024).

Bộ Nội vụ khẩn trương xây dựng, hoàn thiện trình Chính phủ ban hành các văn bản thi hành Luật Lưu trữ (sửa đổi); báo cáo lộ trình trong tháng 7/2024.

Về phát triển kinh tế số, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành khẩn trương tổ chức các Phiên họp chuyên đề số hóa các ngành, lĩnh vực phụ trách; đẩy mạnh số hóa, làm giàu cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương; xây dựng và đưa vào vận hành cơ sở dữ liệu dùng chung về thương mại điện tử; đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác quản lý thuế và thực hiện đồng bộ các giải pháp về hóa đơn điện tử, nhất là hóa đơn điện tử trong bán lẻ trực tiếp.

Rà soát, xử lý nghiêm các vi phạm của các cơ sở kinh doanh không xuất hóa đơn điện tử; đẩy mạnh phát triển hạ tầng thanh toán điện tử, hạ tầng thông tin tín dụng bảo đảm hoạt động liên tục, thông suốt, an toàn, đáp ứng tốt nhu cầu thanh toán đa dạng, ngày càng tăng nhanh (ngân hàng trực tuyến, thanh toán qua Internet, điện thoại di động, thanh toán không tiếp xúc…).

Về dịch vụ công trực tuyến, Thủ tướng chỉ đạo sớm hoàn thành triển khai 30 dịch vụ công thiết yếu còn lại (nhất là tích hợp, công bố nhóm thủ tục hành chính đăng ký thành lập hộ kinh doanh và đăng ký thuế lên Cổng Dịch vụ công quốc gia; kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa cơ sở dữ liệu về người có công, bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo với Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh).

Về phát triển hạ tầng số quốc gia, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an tham mưu xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về đẩy mạnh triển khai Nghị quyết 175/NQ-CP để đẩy nhanh tiến độ xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia; Bộ Y tế sớm hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển hạ tầng số và ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ chuyển đổi số y tế đến năm 2030.

Về phát triển các nền tảng số, dịch vụ số, dữ liệu số, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Xây dựng đẩy nhanh kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Hệ thống thông tin nhà ở và thị trường bất động sản với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hoàn thành trong tháng 7/2024.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để liên thông dữ liệu đăng ký tàu cá, nhật ký khai thác thủy sản; tích hợp tài khoản VNeID và thực hiện các thủ tục về đăng ký tàu cá, khai thác thủy sản, hoàn thành trong tháng 9/2024. Bộ Tư pháp kết nối, chia sẻ dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu của ngành Tư pháp như cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, quốc tịch, lý lịch tư pháp hoàn thành trong tháng 7/2024.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp các bộ, ngành liên quan ban hành Kế hoạch triển khai thu mẫu ADN cho thân nhân, hài cốt liệt sĩ chưa xác định được danh tính để chính thức công bố triển khai vào ngày 27/7/2024 – Ngày Thương binh, Liệt sĩ.

Về an ninh, an toàn thông tin, trước tình hình tấn công mạng trên thế giới và trong nước gia tăng mạnh thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công an chủ trì, phối hợp Bộ Quốc phòng, Bộ Thông tin và Truyền thông giao ban hàng tháng, có đánh giá, hướng dẫn, giám sát, bảo vệ hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia và các bộ, ngành, địa phương; ngược lại các bộ, ngành, địa phương cũng phải chú trọng công tác này; vận dụng tối đa khả năng của các doanh nghiệp trong nước để tham gia thúc đẩy chuyển đổi số. Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông tổng hợp, đề xuất cấp có thẩm quyền về khen thưởng các tập thể, cá nhân; đồng thời tổ chức khen thưởng theo thẩm quyền./.


Nguồn:Báo Nhân dân Sao chép liên kết

Liên kết Liên kết

Thống kê trong ngày Thống kê trong ngày

Đang online : 5
Tất cả : 363.619

Sự kiện Sự kiện