Nghi Xuân bát cảnh
Cầu Cửa Hội nối đôi bờ sông Lam. Ảnh: Nguyễn Thanh Hải
Thật lạ, năm nay đã cuối tháng 11 rồi mà chưa thấy cái rét se sắt, đỏng đảnh mùa đông. Ngày chủ nhật, cô bạn thân Thúy Hà, cựu sinh viên khoa Sử của một trường đại học rủ tôi làm một “tour” du lịch về “Nghi Xuân bát cảnh”. Hai đứa khởi đầu “tour” bằng du thuyền “Giang Đình cổ độ” xuôi sông Lam.
Thúy Hà tủm tỉm cười:
- Bữa nay em sẽ đưa anh thăm thú một vài cảnh đẹp của “Nghi Xuân bát cảnh” quê mình. Đến vài nơi thôi, bởi một số cảnh đẹp trong “bát cảnh” ngày xưa, thời gian vật đổi sao dời, nay không còn nữa. Ta khởi đầu bằng chuyến du thuyền xuôi sông Lam nhé. Ta đến hai thắng cảnh “Đan Nhai quy phàm” (Cửa Hội buồm về) và “Song Ngư hý thủy” (Đôi cá giỡn nước) trước đã. Đến được hai nơi đó, thuyền sẽ đi qua cầu Cửa Hội mới xây dựng nối hai bờ Nam - Bắc - là niềm ao ước bao đời của Nhân dân Hà Tĩnh, Nghệ An. Cầu dài và đẹp lắm anh ơi! Em nghĩ đó sẽ là một “cảnh” mới của Nghi Xuân quê mình đấy.
“Hồng Sơn liệt chướng” là dãy núi phía Nam huyện, là phên dậu che chở cho Nghi Xuân, có 9 xã trong huyện nằm ven chân núi. Hồng Sơn là núi Hồng, là dải Hồng Lĩnh và còn được gọi là Ngàn Hống. Ảnh: Đậu Hà
Trời chớm bình minh. Phương Đông một vùng ánh sáng màu ngũ sắc hừng lên sau nhấp nhô trùng điệp các đỉnh núi Hồng, như đàn rồng vờn nhau, uốn lượn. Trông vời dáng núi, hệt thế đàn hổ ngồi chầu. Quấn ngang lưng núi cuồn cuộn một dòng sông mây trắng bồng bềnh, giăng mắc. Quanh chân núi, miền quê Nghi Xuân chìm trong biển sương mai bảng lảng. Cứ theo truyền thuyết thì ngày xưa vua Kinh Dương Vương kinh lý qua đây thấy nơi này núi sông lồng lộng khí thiêng, đã chọn vùng đất núi Ngàn Hống làm Kinh đô đầu tiên của nước Việt cổ (Việt Thường Thị). Con sông Rum (sông Lam bây giờ), trên đường thiên lý, qua đây gặp được nơi nước non đằm thắm, hữu tình, cũng chảy chậm lại, uốn một vòng tuyệt đẹp như vòng tay kẻ đa tình ôm quyến luyến vùng đất này rồi mới chịu xuôi về biển. Nước non như thế, làm sao chẳng nao lòng bao chính nhân quân tử, tao nhân mặc khách!
Hoàng hôn cầu Cửa Hội. Ảnh: Thiện Chân
Mải mê ngắm sông, ngắm núi, chiếc du thuyền đã đến cầu Cửa Hội. Quả là cầu đẹp thật! Trong mắt tôi cầu như một chiếc đàn bầu khổng lồ gác qua sông. Thúy Hà đưa tay chỉ vào hòn đảo như hai con cá đang đùa giỡn trên sóng nước, reo:
- “Song Ngư hý thủy” kìa! Thuyền trưởng ơi cảm phiền anh cho thuyền chạy chầm chậm một tý được không ạ?
Cửa sông Lam, trước gọi là cửa Đan Nhai, nay gọi là cửa Hội (cửa Đan Nhai là tên của xã Đan Nhai, cửa Hội là tên của xã Hội Thống, nay là xã Xuân Hội). Ảnh: Đậu Hà
Chiếc “Giang Đình cổ độ” chạy chậm lại như đang thả trôi nơi cửa biển. Thúy Hà nói như một hướng dẫn viên du lịch:
- Đây là “Đan Nhai quy phàm”. Thực ra “Đan Nhai quy phàm” nơi cụ thi nhân họ Bùi đã tức cảnh ngày xưa ở tít mãi trên đền Chân Long mạn Xuân Phổ kia. Thời gian dâu bể, cát bồi, biển lấn nên giờ mới ở nơi này. Cụ Bùi Dương Lịch từng tả: “Muôn ánh tà dương ráng ửng hồng/ Thuyền về lớp lớp hướng theo dòng…/ Ngàn Cả triều lên nồm biển dậy…”
Bình minh cửa Hội. Ảnh: Thiện Chân
Trước vẻ đẹp mênh mông của biển cả, tôi bâng khuâng hít đầy lồng ngực hơi biển mặn nồng nàn của “Song Ngư hí thủy”: “Tình đảo chon von trấn biển khơi/ Bề thế liên hoàn mây quấn quýt/… Cửa Hội triều dâng, sóng giỡn trời…” (Bùi Dương Lịch). Tương truyền xưa có hai con cá nhà trời trốn xuống đây vờn nhau. Mải mê đùa giỡn, quên cả lối về, Ngọc Hoàng bắt cả hai hóa đá. Mặc mưa nắng thời gian, hai con cá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt giữa muôn trùng sóng trắng. Chúng tôi đứng trên mạn thuyền, ngẩn ngơ trước biển, nhìn ánh ban mai dát vàng trên từng con sóng bạc đầu đang tạo nên một vành hoa quanh đảo. Để bâng khuâng nghe rào rạt tiếng sóng vỗ mơn man lên bờ cát; để nghe tiếng chim chuyền cành ríu ran gọi nhau giữa ngàn biếc rừng bần, rừng phi lao mà thấy lòng bỗng dưng nhẹ bỗng, siêu thoát như trong cõi vô thường!
Chiều Lạch Kèn. Ảnh: Trần Chung
“Quần Mộc bình sa” (hay Cồn Mộc bình sa) - Xuôi theo dòng sông Lam, ta trông thấy cồn nổi giữa sông, đó là Quần Mộc (nay thuộc thôn Hồng Lam, xã Xuân Giang). Xưa Quần Mộc là bãi cát bồi bằng phẳng, viền quanh là rừng bần tươi xanh, trông như đang nổi bồng bềnh giữa sông, cứ chiều đến là hàng ngàn cò trắng lại về đậu trên rừng bần, trông như những đóa hoa trắng và buổi bình minh đàn chim lại bay kiếm ăn xa, dưới ánh nắng ban mai, cánh chim rực hồng lan tỏa.
Du thuyền Giang Đình cổ độ. Ảnh: Đậu Hà
Chiếc du thuyền lượn một vòng thật đẹp qua cầu Cửa Hội, rẽ sóng chạy trở về bến. Thúy Hà rủ rỉ:
- Hẳn anh đã biết, Nghi Xuân là quê hương của Danh nhân Văn hóa thế giới, Đại thi hào Nguyễn Du; quê hương của Dinh điền sứ, Uy Viễn Tướng công Nguyễn Công Trứ, với những câu thơ ngất ngưởng, ngang tàng; quê hương của Thánh sư địa lý Tả Ao. Nghi Xuân có Hồng Lĩnh, xưa gọi là Ngàn Hống, dãy núi hùng vĩ, đệ nhất danh thắng nước Nam, được ghi vào Bách Khoa thi cửu. Năm 1836, vua Minh Mệnh đã khắc Ngàn Hống lên Anh đỉnh, một trong cửu đỉnh quý của triều Nguyễn. Chỉ riêng về du lịch, Nghi Xuân có nhiều thế mạnh. Huyện có quốc lộ 1, 8B, tỉnh lộ 547 đường ven biển chạy qua. Nghi Xuân đang xây dựng trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu, điển hình về văn hóa gắn với phát triển du lịch, trung tâm du lịch phía Bắc tỉnh, gắn với các điểm du lịch tâm linh như đền công chúa Liễu Hạnh (còn gọi là đền Củi), khu tưởng niệm Đại thi hào Nguyễn Du, nhà và lăng mộ Uy Viễn Tướng công Nguyễn Công Trứ, bãi tắm Xuân Thành.
Thị trấn Nghi Xuân. Ảnh: Huy Tùng
Thúy Hà ngừng lời thì cũng lúc du thuyền cập bến, chúng tôi thuê một chiếc xe du lịch nhỏ về với “Hồng sơn liệt chướng” (núi Hồng thành dựng), nơi thi nhân Bùi Dương Lịch từng ca ngợi “Giữa điệp trùng la liệt nối trời mây”. Con đường nhựa qua phía Đông núi, vòng qua xã Xuân Lĩnh mới làm cách đây mươi năm như một dải lụa - mây vắt hờ quanh sườn núi. Ngút ngàn thông Hồng Lĩnh vi vút “đứng giữa trời mà reo” ảo mờ trong bảng lảng sương bay, gợi nhớ dáng thanh cao của Uy Viễn Tướng công. Bên đường là những làng quê sầm uất lô nhô những mái nhà ngói đỏ, nhà cao tầng. Có đi hết mới thấy vẻ đẹp toàn mỹ, mê mẩn của “Nghi Xuân bát cảnh” thời “nông thôn mới”!
Đường ven biển đoạn tiếp giáp xã Thịnh Lộc (Lộc Hà) và xã Cương Gián (Nghi Xuân). Ảnh: Huy Tùng
Nghi Xuân là vùng đất “tam hợp”, một huyện phổng phao lưng tựa vào dãy núi trùng điệp Hồng Lĩnh, bên tả tựa vào dòng sông Lam ngăn ngắt xanh, bên hữu trông ra mênh mông Biển Đông sóng vỗ. Hai chúng tôi hăng hái trèo lên đỉnh Bàn Cờ, một ngọn trong 99 đỉnh núi dãy Hồng Lĩnh. Đứng đây, dõi mắt về phía Đông trông rõ đảo Song Ngư, đảo Hòn Mắt chập chùng sóng trắng; nhìn về phía Bắc thành phố Vinh (Nghệ An), khu du lịch Cửa Lò như với được trong tầm tay; trông ra phía Nam thấy cả núi Nam Giới, nhìn phía Tây thấu cả dãy Trường Sơn… Thật là hùng vĩ!
Khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du. Ảnh: Thành Nam - Huy Tùng
Non trưa, xe chúng tôi về Khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du, về với những câu Kiều bất hủ; đến với nhà tưởng niệm và lăng mộ Uy Viễn Tướng công Nguyễn Công Trứ, vị Dinh điền sứ nặng lòng với lương dân, đã cùng dân quai đê lấn biển lập nên hai huyện Kim Sơn (Ninh Bình), Tiền Hải (Thái Bình). Hai đứa men theo con đường Tả Ao láng nhựa rợp mát bóng cây, đến thắp hương tại nhà thờ Thánh sư Địa lý mới phục dựng lại. Rồi Thúy Hà kéo tôi qua bến Giang Đình. Văng vẳng câu thơ của Bùi Dương Lịch: “Sông Cả nghìn tầm dồn xuống biển/ Thuyền Sơn dừng đỗ bến này đây/ Giang Đình hội rước triều vua trước/ Lục Dạ tên chung mảnh đất này”… Đây cũng là nơi Đại thi hào Nguyễn Du trong tâm trạng chơi vơi, hoài cổ, đã viết nên bài thơ “Giang Đình hữu cảm”. Nay huyện Nghi Xuân lấy “Giang Đình cổ độ” (Bến đò cổ Giang Đình) tên bài thơ cụ Bùi Dương Lịch đặt cho du thuyền đầu tiên của huyện nhà. Và Chi hội Văn học nghệ thuật huyện lấy tên Giang Đình đặt cho tập san của mình. “Sử gia” Thúy Hà quay sang tôi, cười:
- Huyện Nghi Xuân có gần 200 di tích lịch sử - văn hóa - danh thắng. Ngoài Khu lưu niệm Nguyễn Du, nhà tưởng niệm và lăng mộ Nguyễn Công Trứ, còn có cụm di chỉ khảo cổ học Phôi Phối - Bãi Cọi, một di tích thời sơ sử Việt Nam, bao gồm Bãi Cọi, Bãi Lòi và Phôi Phối mang đặc trưng của cả hai nền văn hóa Đông Sơn và Sa Huỳnh. Ngoài đền Củi còn có đền thờ Thánh sư Địa lý Tả Ao, cụm đền Huyện, đền thờ Cương Quốc công Nguyễn Xí ở Cương Gián, Cổ Đạm; đền thờ Đại Vương Lý Nhật Quang ở Xuân Giang, đền thờ Tể tướng Nguyễn Nghiễm thân phụ Đại thi hào Nguyễn Du và đình Hội Thống - ngôi đình lớn nhất, cổ nhất còn sót lại… Chùa thì nhiều, nhưng có chùa Thanh Lương lớn và đẹp nổi tiếng. Gần đây mới phục hồi Trần Triều điện ở Xuân Phổ… Kỳ vĩ lắm! Danh thắng, di tích huyện mình có đi cả ngày cũng không hết. Bữa nay có lẽ ta về hồ Xuân Hoa anh ạ. Đi dạo quanh hồ trên đệm lá cây như đi trong rừng nguyên thủy cũng có cái thú của nó!
Di tích khảo cổ Phôi Phối Bãi Cọi ở xã Xuân Viên (ảnh 1). Đền thờ Uy Viễn Tướng công Nguyễn Công Trứ ở xã Xuân Giang (ảnh 2). Đình Hội Thống ở xã Xuân Hội (ảnh 3). Đình Hoa Vân Hải ở xã Cổ Đạm (ảnh 4). Đền Nguyễn Xí ở xã Cương Gián (ảnh 5). Đền Chợ Củi ở xã Xuân Hồng (ảnh 6). Ảnh: Đậu Hà.
Chiều, chúng tôi đến với hồ. Hai đứa thả bộ trên con đường lá rụng trải dày như tấm nệm màu hổ phách. Hương núi thoang thoảng đâu đây như thực, như mơ. Bao nhiêu mệt nhọc của cả ngày như tan biến, cứ ngỡ mình đang vân du trong bồng lai tiên cảnh khi nhìn mây bay nhởn nhơ dưới đáy hồ, quấn quýt bóng ngàn cây lung linh huyền ảo. Thúy Hà trầm trồ:
- Đẹp quá! Mà này, Nghi Xuân mình vốn nổi tiếng “món” ca trù Cổ Đạm mà triều đình Huế đã có sắc phong là quốc nhạc. Chúng ta đang đến với nôi ca trù đấy. Cụ Uy Viễn rất mê món này. Chẳng ngoa ngôn, cái món ca trù bay lả, bay la lắm! Chả thế mà không chỉ các ca nương, các nghệ nhân mà học trò tiểu học ở Nghi Xuân cũng đã hát ca trù “ngọt” lịm! Em thử làm vài khúc anh nghe chơi!
Đền Nguyễn Công Trứ (Nghi Xuân) từ lâu đã trở thành điểm sinh hoạt ca trù hằng tuần của CLB Ca trù Nguyễn Công Trứ. Ảnh: Khôi Nguyễn.
Về miền ví, giặm. Ảnh: Trần Chung
Tất nhiên vì hát “chay” với lại cái giọng không chuyên của Thúy Hà có hơi rè nhưng điệu hát, lời ca thì bay lả, bay la thật! Tôi nghe, gật gù khen hay thật thà và vỗ tay tưng bừng. Cô bạn “sử gia” hớn hở:
- Em cứ nghĩ, Nghi Xuân đưa ca trù, dân ca ví, giặm, trò Kiều, lẩy Kiều… lên du thuyền “Giang Đình cổ độ” phục vụ du khách xuôi ngược trên sông Lam là một cách làm hay! Du khách đi thuyền trên sông ngắm trời, ngắm núi, nhìn mây bay, nước chảy mà nghe hát kể cũng thú vị lắm. Cùng với vùng đất văn hóa, vùng đất đền đài… sẽ tạo nên bản sắc Nghi Xuân. Lúc đó, Nghi Xuân sẽ là điểm đến, là chốn đi về, là nỗi khát khao tìm miền đất lạ, miền đất thiêng của bao du khách, phải không anh?!