Thursday, 21/11/2024 | 14:24
Chào mừng các bạn đến với Cổng thông tin điện tử huyện Nghi Xuân
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

"Có sức người sỏi đá cũng thành cơm"

Không ít lần trắng tay sau những cuộc tiên phong chuyển đổi cây trồng, vật nuôi nhưng bằng ý chí, quyết tâm của người lính cụ Hồ, ông Hoàng Ngọc Trà (SN 1955, xã Cổ Đạm, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đã vượt khó vươn lên phát triển kinh tế trên mảnh đất quê hương.

"Thua keo này ta bày keo khác"

Dạo bước trên vườn đào phai rộng thênh thang của cựu chiến binh Hoàng Ngọc Trà ở thôn Xuân Sơn, xã Cổ Đạm, ít ai biết rằng, để xây dựng được mô hình kinh tế như ngày hôm nay, vợ chồng ông đã trải qua bao thăng trầm, mồ hôi lẫn nước mắt đều thấm đẫm vào đất.

Sinh ra ở làng Hoa Vân Hải, xã Cổ Đạm, năm 1974, chàng trai Hoàng Ngọc Trà lên đường nhập ngũ vào Trung đoàn 761 ở Tây Nguyên và tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. Năm 1975, trong một trận đánh ở vùng Tây Nguyên, người thanh niên này bị trúng mìn và bị thương ở đầu. May mắn sống sót nhưng ông mang tỷ lệ thương tật 41%.

Ông Hoàng Ngọc Trà luôn tâm niệm: "Bàn tay ta làm nên tất cả, có sức người sỏi đá cũng thành cơm".

Sau khi xuất ngũ trở về địa phương, ông Trà kết hôn cùng bà Phan Thị Lài là người cùng xã. Năm 1980, theo chủ trương xây dựng vùng kinh tế mới, 2 vợ chồng quyết định “khăn gói” lên vùng đất Chọ Sim (nay là thôn Xuân Sơn) lập nghiệp với tài sản ban đầu là căn nhà tranh 2 gian ọp ẹp. Rồi chị Lài lần lượt sinh 4 người con, cuộc sống thiếu thốn đủ bề, bữa rau bữa cháo qua ngày.

Gạt đi những giọt mồ hôi giữa chiều tháng 8, ông Trà nhớ lại: “Vùng đất này trước đây hoang vu, cằn cỗi "chó ăn đá, gà ăn sỏi". Những ngày đầu lên đây chỉ có 28 hộ dân, rừng thiêng nước độc, xung quanh là núi rừng và muông thú, nhiều gia đình không trụ nổi đành chuyển đi nơi khác sinh sống. Điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, năm 1982, gia đình gặp bão lớn, hoa màu mất trắng; năm 1983 thì cả nhà bị sốt rét, phải vay mượn đủ đường để chạy chữa. Lúc đó, vợ tôi có ý định rời đi nơi khác nhưng tôi cố gắng động viên để trụ lại vùng đất này”.

Khu vườn gia đình ông Trà hiện có 2.800 gốc đào phai.

“Bàn tay ta làm nên tất cả, có sức người sỏi đá cũng thành cơm. Chiến tranh đã không đánh gục được mình thì không có gì là không làm được” – tâm niệm đó luôn thôi thúc ý chí vươn lên trong ông Trà. Là người đam mê với nông nghiệp, nhiều đêm ông trăn trở làm sao để "đất đẻ ra tiền”. Suốt thời gian đó, cả ngày lẫn đêm, vợ chồng ông nỗ lực khai hoang, cải tạo đất trồng lúa, trồng khoai, sắn, đào ao nuôi cá, trồng cây ăn quả...

Bà Phan Thị Lài chia sẻ: “Thời đó, cuộc sống hết sức khó khăn, ngoài thời gian làm hoa màu, hằng ngày, ông Trà vào rừng chặt củi, đốt than bán lấy tiền lo cho sinh hoạt gia đình. May mắn những năm sau đó, những vụ lúa, khoai được mùa nên gia đình bắt đầu đỡ chật vật hơn. Từ số vốn ban đầu tích góp được, vợ chồng tự đào đất, làm gạch, xây dựng căn nhà cấp bốn vào năm 1985. Đây là căn nhà xây bằng gạch đầu tiên ở thôn, trở thành chỗ tránh trú bão cho một số hộ dân khi mùa mưa lũ đến”.

Với quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương, ông Trà đã phát triển đa dạng cây trồng, vật nuôi.

Với ý chí quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương, ông Trà không cam chịu dừng lại với những cây trồng truyền thống. Nghe tin ở đâu có mô hình hay, ông lại chạy xe tìm đến học tập, có lúc đi lên huyện Vũ Quang, Hương Sơn, Đức Thọ hay tìm sang huyện Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn của Nghệ An.

Mắt thấy, tai nghe, ông về bàn với vợ chuyển đổi cây trồng, vật nuôi. Ông đã mạnh dạn trồng nhiều loại cây ăn quả như cam, vải thiều; nuôi bò, dê, đặc biệt là nuôi hươu. Ông được xem là người đầu tiên nuôi hươu trên vùng đất Nghi Xuân.

“Năm 1993, tôi tìm đến học hỏi mô hình nuôi hươu ở huyện Hương Sơn. Ban đầu tôi mua 1 cặp hươu sinh sản với số tiền 60 triệu đồng. Không đủ tiền, lúc đó, tôi phải vay ngân hàng thêm 30 triệu đồng. Sau thời gian nuôi, hươu không sinh sản, tôi đành phải bán lỗ. Không cam chịu, 2 năm sau, tôi tiếp tục nuôi và đàn hươu đã bắt đầu phát triển tốt, gia đình có thêm thu nhập” - ông Trà chia sẻ.

Khu vườn của gia đình ông Trà có diện tích khoảng 28.000m2.

Năm 2008, ông Trà dùng toàn bộ số vốn tích góp được đầu tư nuôi 12 nghìn con ba ba với tổng số tiền 1,7 tỷ đồng. Sau gần 2 năm chăm sóc với biết bao hy vọng, đến thời điểm gần thu hoạch thì trận bão lớn vào tháng 7/2010 đã cuốn trôi toàn bộ ba ba trong hồ.

“Từ 4 bàn tay trắng, 20 năm sau lại trở về trắng tay. Toàn bộ vốn liếng gia đình đầu tư vào ba ba đã bị bão lũ cuốn trôi. Lúc đó, vợ chồng tôi vô cùng hoang mang, lại thêm nhiều người “nói ra nói vào” khi tôi không chịu đầu tư vào những giống cây, con truyền thống mà lại bỏ tiền vào những mô hình ít ai biết đến. Nhiều đêm tôi thức trắng, trằn trọc, nhưng rồi suy nghĩ “thất bại là mẹ của thành công, thua keo này ta bày keo khác” đã thôi thúc tôi tiếp tục đứng dậy. Nhận thấy khí hậu, thổ nhưỡng vùng đất đồi núi phù hợp với cây đào mà một số gia đình đã trồng, tôi lại sang Nghệ An tìm hiểu về đặc tính cây đào và thị trường tiêu thụ. Quyết tâm lập nghiệp thêm lần nữa, cuối năm 2010, vợ chồng bắt tay làm lại từ đầu với 80 gốc đào phai” - ông Trà bộc bạch.

Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, ông Trà đã tìm cách nhân giống đào để không còn phải phụ thuộc về giống, đồng thời học hỏi thêm kỹ thuật chăm sóc, cắt tỉa để cây phát triển tốt, tạo thế đẹp.

Cứ thế, diện tích trồng đào của gia đình ông Trà ngày càng mở rộng thêm. Hiện khu vườn diện tích khoảng 28.000m2 thì có đến 25.000m2 ông dành để trồng đào với khoảng 2.800 gốc. Mỗi dịp tết đến, xuân về, vườn đào của ông được nhiều người tìm đến bởi thế cây đẹp. Nhờ cây đào, gia đình ông đã có thêm thu nhập ổn định, trung bình mỗi năm thu về hàng trăm triệu đồng, năm nhiều nhất 400 triệu đồng. Ngoài ra, ông còn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật cho các hộ dân khác cùng trồng đào và hỗ trợ một số hộ dân vay không lấy lãi để phát triển kinh tế.

Ngoài trồng đào là cây chủ lực trong phát triển kinh tế thì hiện nay, ông Trà còn đảm nhận trồng, chăm sóc 200ha rừng và 20ha cây keo, bạch đàn trên diện tích đất rừng của gia đình, nuôi 20 đàn ong để có thêm nguồn thu nhập.

Ông Trà được trao tặng nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp về thành tích làm kinh tế giỏi.

Ông Nguyễn Văn Mạo (thôn Xuân Sơn) chia sẻ: “Nhờ có sự hỗ trợ của ông Trà, gia đình tôi đã chuyển đổi về cây trồng, vật nuôi. Khi biết tôi học hỏi để chuyển sang trồng đào, ông Trà đã tận tình hướng dẫn về kỹ thuật. Hiện gia đình tôi đang có 150 gốc đào. Nhờ đó, kinh tế ngày càng thêm khá, có điều kiện lo cho con cái ăn học”.

Bao vất vả nhọc nhằn rồi cũng đến mùa cho "quả ngọt". Với sự quyết tâm, sự nỗ lực không ngừng nghỉ của của người lính cụ Hồ, giờ đây gia đình ông Trà đã có của ăn, của để, có thêm điều kiện để chăm sóc con cháu. Nhà cửa được xây dựng khang trang, ông còn mua sắm xe ô tô, hỗ trợ kinh tế cho con cái lập nghiệp.

Với sự tiên phong, sáng tạo của mình trong lao động sản xuất, ông Hoàng Ngọc Trà được vinh danh hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi năm 1994, khu vườn của ông đạt giải B tại Cuộc thi khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu của Hà Tĩnh lần thứ nhất tổ chức năm 2017. Ông còn vinh dự đạt danh hiệu người cao tuổi làm kinh tế giỏi toàn quốc giai đoạn 2012-2017 và được trao tặng nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp, tổ chức hội.

Người chi hội trưởng gương mẫu

Không những làm kinh tế giỏi, 15 năm qua, ông Hoàng Ngọc Trà luôn là Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh được mọi người tin yêu. Với sự dìu dắt của ông, Chi hội Cựu chiến binh thôn Xuân Sơn luôn được công nhận chi hội gương mẫu xuất sắc.

“Để chi hội hoạt động hiệu quả, tôi chủ động xây dựng quy chế hoạt động và kế hoạch công tác triển khai đến toàn thể hội viên. Tôi cũng luôn tích cực tham gia cùng các hội, đoàn thể cơ sở làm tốt công tác tuyên truyền, vận động hội viên và Nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đẩy mạnh phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng, tham gia xây dựng nông thôn mới” - ông Trà chia sẻ.

Ông Trà chủ động xây dựng quy chế hoạt động và kế hoạch công tác triển khai đến toàn thể hội viên cựu chiến binh trong thôn.

Để đưa chi hội phát triển, ông Trà luôn tìm cách tập hợp, phát huy tinh thần đoàn kết của các hội viên bằng nhiều hình thức. Chi hội trưởng Hoàng Ngọc Trà đã đứng ra đảm nhận thêm các công trình lao động để gây quỹ hội cho các hội viên như: tham gia xây dựng 300m mương thoát nước tại thôn Kỳ Tây, đổ 2km lề đường, xây dựng bờ rào khuôn viên nhà văn hóa thôn Xuân Sơn...

Định kỳ hằng tháng, 22 hội viên chi hội cùng với Nhân dân tham gia cắt tỉa hàng rào xanh, vệ sinh môi trường, hỗ trợ ngày công giúp đỡ các gia đình chỉnh trang vườn hộ và xây dựng lại tường rào sau khi hiến đất mở đường.

Ông Trà là chi hội trưởng gương mẫu, luôn "xắn tay" vì việc chung.

Theo đánh giá của ông Trần Văn Sơn – Trưởng thôn Xuân Sơn, dưới sự dẫn dắt của Chi hội trưởng Hoàng Ngọc Trà, Chi hội Cựu chiến binh thôn đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, nhất là trong xây dựng nông thôn mới, đưa Xuân Sơn trở thành khu dân cư kiểu mẫu năm 2024. Ông Trà còn tích cực hỗ trợ hội viên và Nhân dân phát triển kinh tế, nhờ đó đời sống của người dân ngày càng phát triển, thu nhập bình quân đầu người hiện đạt 65 triệu đồng/người/năm.

Ông Lê Thanh Bình – Chủ tịch UBND xã Cổ Đạm cho biết: “Ông Hoàng Ngọc Trà là cựu chiến binh gương mẫu, tiên phong trên địa bàn. Phát huy bản lĩnh của người lính cụ Hồ, ông Trà luôn thể hiện là người tiên phong, dám nghĩ, dám làm trong phát triển sản xuất, góp phần đưa kinh tế của địa phương ngày càng đi lên. Ông Trà là tấm gương sáng cho bà con nhân dân về tinh thần, nghị lực vượt khó trong lao động, sản xuất”.

Đức Đồng


Liên kết Liên kết

Thống kê trong ngày Thống kê trong ngày

Đang online: 4
Tất cả: 638.738

Sự kiện Sự kiện