Wednesday, 08/05/2024 | 16:12
Chào mừng các bạn đến với Cổng thông tin điện tử huyện Nghi Xuân
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đền Chợ Củi

Di tích lịch sử - văn hóa Quốc gia đền Chợ Củi thuộc địa phận xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân. Đền Chợ Củi được công nhận xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia theo Quyết định số 57/QĐ-VH ngày 18/01/1993, là một địa điểm du lịch tâm linh hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách thập phương. Lễ hội Đền Chợ Củi năm 2023 sẽ được diễn ra từ ngày 21/11- 22/11 với nhiều hoạt động ý nghĩa.

Chương trình lễ hội:

- Lễ giỗ sẽ được tổ chức vào sáng ngày 22/11/2023 tại Đền Chợ Củi.

- Trước đó là các hoạt động thể dục thể thao như giải bóng chuyền nam với sự tham gia của 6 đội bóng trên địa bàn; giải kéo co nam - nữ xã Xuân Hồng được tổ chức vào ngày 21/11 tại UBND xã Xuân Hồng.

- Chương trình nghệ thuật đặc sắc với sự tham gia của nhiều ca sỹ nổi tiếng như Thanh Tài, Quỳnh Anh, CLB ca trù Cổ Đạm, CLB chầu văn xã Xuân Hồng, CLB dân ca ví giặm Nguyễn Công Trứ...vào lúc 19h tối ngày 21/11.

Đền Củi linh thiêng và huyền diệu.

Nằm cách thành phố Hà Tĩnh khoảng 40km về phía Đông Bắc và cách thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An khoảng 10km về phía Nam, đây là nơi núi Hồng Lĩnh vươn mình sà vào dòng Lam và Lam Giang dịu dàng ôm ấp, vỗ về núi Hồng để tạo nên một vùng sơn thủy hữu tình, nên thơ.

Đền Chợ Củi còn có tên chữ là Thánh Mẫu Linh từ, đền được xây dựng vào thời Hậu Lê có cấu trúc theo kiểu chữ Tam gồm các hạng mục tam quan, hạ điện, trung điện và thượng điện, mặc dù đã trải qua nhiều lần tôn tạo nhưng vẫn giữ lại nét xưa, trang nghiêm thần bí, hài hòa với cảnh quan sông núi và tân thế của dân gian.

Tam quan đền ở cạnh liền bến sông, cao 2 tầng, có lưỡng long chầu nguyệt, đường nét uyển chuyển mà tinh xảo. Qua tam quan, vòng hồ bán nguyệt ở sân dưới của đền, qua 7 bậc thềm nữa là đến sân trên và thêm 5 bậc thềm nữa là đến đền. Tổng quan kiến trúc của ngôi đền được xây dựng theo kiểu chữ tam, bao gồm 3 toàn, mỗi toàn 3 gian. Bố cục kiến trúc đền Chợ Củi khác với các ngôi đền khác, ở đây các toàn được cấu tạo nối liền với nhau theo trục thần đạo và toàn bộ không gian nội điện được bố trí thành các cung thờ từ trên xuống dưới gồm cung thờ Thánh Mẫu (thờ Tam phủ), cung thờ Ngũ vị Tôn ông, cung thờ Quan Hoàng Mười, cung Chầu Mười và cung Trần Triều.

Tòa thượng điện (hậu cung) là nơi đặt ban thờ Tam tòa Thánh mẫu gồm Mẫu Liễu Hạnh, Mẫu Thượng ngàn, Mẫu Thoải. Ba vị Thánh Mẫu được đặt ở nơi thâm nghiêm và ngự trị ở nơi cao quý nhất của đền thờ, trong đó Mẫu Liễu Hạnh mặc trang phục màu đỏ, Mẫu Thoải mặc trang phục màu xanh và Mẫu Thượng Ngàn mặc trang phục màu trắng.

Sự tích lưu truyền về các vị Thánh Mẫu kể rằng, Thánh Mẫu Liễu Hạnh vốn là công chúa Quỳnh Hoa con của Ngọc Hoàng Thượng đế nhưng do phạm lỗi bị giáng xuống trần đầu thai được đặt tên là Giáng Tiên, sau kết duyên với Đào Lang thành vợ chồng và sống với nhau rất hạnh phúc. Năm Giáng Tiên 21 tuổi thì nàng qua đời vì hết hạn ở trần gian phải trở về trời nhưng ở thiên đình nàng sầu não thương nhớ gia đình khôn nguôi và xin Ngọc Hoàng cho trở về hạ giới, được vua cha Ngọc Hoàng đồng ý và lần này giáng trần nàng mang tên Liễu Hạnh. Vì là thần tiên nên Liễu Hạnh chỉ có thể về thăm cha mẹ, chồng con chứ không thể có cuộc sống như xưa, Liễu Hạnh đi mây về gió cứu giúp dân lành và thẳng tay trừng trị những kẻ bất nhân, bất nghĩa. Sự hiển linh của Thánh mẫu Liễu Hạnh được nhân dân nhiều nơi lập đền thờ tự, được triều đình phong là Mã Hoàng Công chúa và gia tặng là Chế Thắng Hòa diệu Đại vương, dân gian thường gọi là Bà chúa Liễu, cai quản muôn phương, là Mẫu nghi thiên hạ.

Mẫu Thượng Ngàn là hóa thân Thánh Mẫu toàn năng, tương truyền nàng tên là Mỵ Nương Quế Hoa con gái Hùng Định vương, một trong số 18 vị vua Hùng. Nàng có phép thần thông quảng đại dời núi, lấp sông cứu giúp dân lành, mang lại mùa màng tốt tươi cuộc sống ấm no hạnh phúc. Sự linh thiêng của nàng được nhân dân lập đền thờ và tôn là bà chúa Thượng Ngàn cai quản 81 cửa rừng ở cõi Nam Giao.

Mẫu Thoải là vị thần sông nước, truyền thuyết nói rằng nàng là con vua Long Vương ở hồ Động Đình được Kinh Dương vương lấy làm vợ, nàng được vua cha giao trông coi cai quản vùng sông nước, ao hồ về sau được suy tôn là Mẫu Thoải. Lại có truyền thuyết khác cho rằng Mẫu Thoải là vợ vua Thủy Tề được Thượng đế phong là Nhữ vương Nam nữ, nam Hải Đại vương trông coi sông biển, làm mưa và chống lũ lụt giúp dân.

Cũng ở toàn điện này, phía bên phải tam phủ còn có cung thờ Nhị vị Chầu Bà – Chầu Thường Ngàn và chầu Thoại. Đây là điểm khác so với các đền thờ Mẫu khác ở các nơi, chỉ có Nhị vị Chầu Bà chứ không có Tự vị Chầu Bà. Duy chỉ có Chầu Mười lại có cung thờ riêng. Ngoài ra bên trái còn có bàn thờ Chư Phật.

Tiếp đến là cung thờ Ngũ vị Tôn ông, từ quan Đệ Nhất đến quan Đệ Ngũ. Trong Ngũ vị quan lớn thì quan Đệ Nhất và quan Đệ Nhị xuất thân là nhiên thần, quan Đệ Nhất vâng lệnh Ngọc Hoàng xuống trần gian cứu giúp dân lành khỏi sự quấy phá của tà quan.

Dưới cung Ngũ vị Tôn ông là cung thờ Quan Hoàng Mười, tương truyền từ ông Hoàng Đệ nhất tới ông Hoàng Mười đều có gốc tích là con trai Long thần Bát Hải Đại vương ở hồ Động Đình. Tuy nhiên, theo khuynh hướng lịch sử hóa thì mỗi ông Hoàng đều gắn với một nhân vật nào đó ở cõi nhân gian, những danh tướng có công dẹp giặc, những người khai sáng mở mang cho đất nước, tạo lập cuộc sống ấm no cho muôn dân. Trong tất cả các ông Hoàng thì ông Hoàng Mười được tôn vinh hơn cả, vì vậy sự tích ông Hoàng Mười cũng phong phú hơn và ở đây ông Hoàng Mười được xem là các nhân vật gắn bó với xứ Nghệ. Ông Hoàng Mười trong tâm thức người dân xứ Nghệ là hiện thân của Chiêu Trưng Đại vương Lê Khôi, vị tướng tài thời nhà Lê, tham gia nghĩa quân Lam Sơn lập được nhiều công lao trong công cuộc đánh đuổi giặc Minh vào thế kỷ XV. Sau khi chiến thắng khải hoàn, làm quan trải qua ba đời vua nhà Lê là Thái Tổ, Thái Tông và Nhân Tông, làm đến chức Khâm sai tiết chế thủy, lục chư dinh hộ về thượng tướng quân, ông mất  vào ngày 3/5/1446 (Bính Dần), được truy tặng Nhập nội Đại Hành Khiển, thái ủy Tán Quốc Công, lăng mộ an tang trên ngọn núi Long Ngân, núi Nam giới – Cửa Sót- Thạch Hà- Hà Tĩnh, được xây đền thờ và làm lễ quốc tế; sau đó được tấn phong là Uy Mục Đại Vương, năm 1487 lại được phong tặng là Chiêu Trưng Đại Vương.

Có chuyển kể rằng: Hoàng Mười là tướng tài của nhà Lê, ông được giao cho trấn giữ vùng đất Hoan Châu, sau khi ông gặp nạn mất tại đây ông đã có công giữ yên bờ cõi, chăm sóc vỗ về dân chúng làm ăn sinh sống, sau khi ông gặp nạn mất, quân sĩ và dân làng chưa kịp mai táng thì thi hài ông được mối đùn lên đắp thành mộ, dân trong vùng lập đền thờ ông ở núi Ngũ Mã. Thác rồi nhưng ông vẫn rất linh thiêng, thường hiển thánh cứu giúp muôn dân, mọi người đến cầu nguyện đều được ông linh ứng, phù hộ.

Một truyền thuyết khác về ông Hoàng Mười được dân gian đồng nhất là Uy Minh vương Lý Nhật Quang, con trai thứ tám của vua Lý Thái Tổ từng làm Tri châu Nghệ An có nhiều công lao trong việc giữ gìn bờ cõi, vỗ yên dân chúng làm ăn sinh sống đã lưu lại dấu ấn sâu đậm trong long nhân dân. Ông Hoàng Mười gắn bó với quan điểm và triết lý dân gian của người xứ Nghệ, ông là thánh thần nhưng không xa vời mà gần gũi, linh thiêng nhưng rất trần tục, rất đời thường.

Tiếp đến là cung Chầu Mười – tường truyền Châu Mười gốc người Thổ, đã có công giúp Lê Lợi đánh tan quân Liễu Thăng, trấn đề vùng phía Bắc nước ta. Khi giáng đồng, Chầu Mười ăn mặc theo trang phục của người dân tộc thiểu số, nhạc chầu văn theo điệu xã thương, mang đặc trưng của các dân tộc miền núi.

Tòa dưới cùng là cung Trần Triều thờ Đức Thánh Trần tức Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn là một nhân vật lịch sử kiệt xuất sống vào thế kỷ XIII có nhiều đóng góp cho công cuộc chống giặc Nguyên và xây dựng đất nước dưới thời Trần. Ông được người dân tôn xưng là Đức Thánh Trần. Trong tín ngưỡng Đạo Mẫu, ông thường được quy về dòng Long Vương, Bát Hải Đại Vương. Ở đền Chợ Củi, ông được đặt riêng ra thành một phủ - Phủ Trần Triều. Về hạng bậc, ông được đồng nhất với vua Cha, trong đối sánh với Thánh Mẫu, ngày giỗ (và lễ hội) của ông cũng đồng nhất với ngày giỗ Cha, tháng Tám giỗ Cha cùng với Bát Hải Đại Vương.

Đã từ lâu lắm Đền Chợ Củi nổi tiếng linh thiêng, quanh năm không chỉ có người xứ Nghệ mà còn khách muôn phương cả nước đều hành hương về đây không chỉ tham quan vãn cảnh, chiêm bái hành lễ mà còn được hòa mình trong không gian văn hóa lễ hội đặc sắc.

Hàng năm lễ hội Đền Chợ Củi diễn ra ngay vào dịp ngày mồng 3 tháng 3 âm lịch (ngày giỗ Thánh Mẫu), ngày 20 tháng 8 âm lịch (ngày giỗ Đức Thánh Trần) và ngày 10 tháng 10 âm lịch (ngày giỗ Quan Hoàng Mười) suốt nhiều ngày liền lượt khách về chiêm bái, hành lễ rất đông. Mọi người về đây với niềm tin sẽ được Thánh Mẫu, các quan lớn, các Chầu, quan Hoàng Mười và Đức Thánh Trần phù hộ. Không những thế nơi đây còn có canh quan đẹp hiếm có, sông núi đan xen nhau tạo nên vẻ đẹp huyền ảo, kỳ bí nên thơ cho ngôi đền. Các sinh hoạt văn hóa dân gian như hát chầu văn, lễ hầu đồng diễn ra thường xuyên tại đền, những lời ca, tiếng nhạc rộn ràng say đắm tạo nên một không khí lễ hội rất sống động như mời gọi, lưu giữ bước chân du khách muôn phương.

P.V

 


Liên kết Liên kết

Thống kê trong ngày Thống kê trong ngày

Đang online : 6
Tất cả : 254.073

Sự kiện Sự kiện