Saturday, 27/04/2024 | 15:22
Chào mừng các bạn đến với Cổng thông tin điện tử huyện Nghi Xuân

TIỀM NĂNG PHÁT TRIỂN

Xây dựng Nghi Xuân là trung tâm kinh tế - văn hóa phía bắc tỉnh Hà Tĩnh

 

Nghi Xuân là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, hội tụ đầy đủ những tinh hoa của núi Hồng, sông Lam với nhiều danh nhân, di tích, danh thắng nổi tiếng và nhiều loại hình văn hóa vật thể, phi vật thể. Nghi Xuân có 32km bờ biển, có Quốc lộ 1A đi qua, diện tích tự nhiên là 22.000ha, dân số 100.000.000 người. Với lợi thế có đủ sông, biển, đồi núi, đồng bằng…, đây chính là tiềm năng, thế mạnh để Nghi Xuân phát triển kinh tế theo hướng bền vững.

 

Là huyện đồng bằng ven biển, Nghi Xuân nằm phía Đông Bắc tỉnh Hà Tĩnh, tiếp giáp TP. Vinh - Nghệ An, cách trung tâm thành phố Hà Tĩnh gần 50km, phía Tây Nam giáp thị xã Hồng Lĩnh, phía Đông là biển Đông; có 17 đơn vị hành chính (15 xã và 2 thị trấn), giao thông thuận lợi, Phía Bắc có sông Lam chảy qua với chiều dài là 2km, có Nhà máy Đóng tàu Bến Thủy gắn với 2 cảng Xuân Hải và Cửa Hội; có 2 cửa lạch (Xuân Hội và Lạch Kèn) - nơi tàu thuyền trong và ngoài nước thường xuyên giao thương, vận chuyển hàng hóa.

 

Tận dụng và phát huy những thế mạnh của địa phương, thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Nghi Xuân đã tập trung đầu tư mũi nhọn vào kinh tế biển, kết hợp phát triển du lịch, dịch vụ gắn với khai thác, nuôi trồng thủy sản nhằm tăng trưởng kinh tế theo hướng nhanh, mạnh và bền vững.

 

Với những tiềm năng sẵn có, Nghi Xuân đã kết hợp du lịch biển, nghỉ dưỡng, sinh thái với tham quan các di tích văn hóa, tâm linh; du lịch lễ hội với trải nghiệm nông thôn mới... thành chuỗi tham quan độc đáo, mới lạ. Khu du lịch Xuân Thành là điểm nhấn về du lịch biển của địa phương với thiên nhiên mang vẻ đẹp nguyên sơ, nước trong xanh, cát trắng, là điểm nghỉ dưỡng lý tưởng, hàng năm thu hút hàng triệu du khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghỉ dưỡng... Trung tâm thể thao, trường đua chó và sân golf 18 lỗ hoàn thành và đưa vào sử dụng.

 

Bên cạnh phát triển du lịch biển thì khai thác và nuôi trồng thủy, hải sản cũng là một thế mạnh của địa phương. Thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Nghi Xuân đã biến những vùng đất nhiễm mặn, đất cát hoang hóa, bạc màu thành những ao tôm, ao cá có giá thương phẩm cao. Đồng thời, ban hành Đề án Phát triển đánh bắt, nuôi trồng, chế biến hải sản trên địa bàn huyện gắn với Chương trình mục tiêu quôc gia xây dựng nông thôn mới; tạo điều kiện thu hút đầu tư cho các doanh nghiệp và người dân trên địa bàn. Đến nay, toàn huyện đã có trên 150 mô hình nuôi trồng trồng thủy sản với diện tích nuôi trồng 757ha, trong đó có 197 ha nuôi tôm công nghiệp cho năng suất cao. Thu hút Dự án sản xuất tôm giống của Công ty Thông Thuận quy mô 3 tỷ con tôm giống/năm; dự án nuôi cá Bơn, cá Mú tại xã Xuân Liên quy mô 82.000 cá giống... Duy trì tốt đội tàu đánh bắt thủy sản 852 chiếc; triển khai đóng tàu đánh bắt xa bờ... Thu hút đầu tư dự án xây dựng Nhà máy Chế biến bột cá và hậu cần nghề cá ở Xuân Hội với tổng mức đầu tư trên 180 tỷ đồng; hình thành một số mô hình thu mua, chế biến thủy sản nhằm liên kết giải quyết đầu ra, tiêu thụ sản phẩm nuôi trồng, đánh bắt thủy sản trên địa bàn; thực hiện tốt Chương trình giảm nghèo bền vững vùng bãi ngang ven biển.

 

Với những cố gắng, nỗ lực của Đảng bộ và nhân dân, bức tranh kinh tế - xã hội của Nghi Xuân đã có nhiều khởi sắc, phát triển đồng đều và có tốc độ nhanh trên các lĩnh vực; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng lên: Tăng trưởng giá trị sản xuất giai đoạn 2011-2016 đạt 15,53 %; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng theo hướng tích cực. Đến cuối năm 2015, thu nhập bình quân đầu người đạt 28,02 triệu đồng/người/năm.

 

Để tận dụng và phát huy các tiềm năng sẵn có của địa phương, trong thời gian tới, Nghi Xuân tiếp tục tập trung triển khai “Chương trình hành động về Chiến lược phát triển kinh tế biển đến năm 2020”. Xây dựng 2 xã ven biển: Xuân Thành và Cương Gián trở thành đô thị loại 5 trước năm 2025; Điều chỉnh quy hoạch 03 loại rừng của các xã ven biển; bổ sung, hoàn thiện hệ thống đê sông, đê biển; ưu tiên nuôi trồng thủy sản ven sông, ven biển; kêu gọi thu hút đầu tư; Dự án phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu các xã bãi ngang ven biển nhằm đối phó với biến đổi khí hậu Hà Tĩnh; Dự án phát triển nông thôn bền vững vì người nghèo tĩnh Hà Tĩnh; Dự án Âu thuyền tránh trú bão cho tàu cá Cửa Hội - Xuân Phổ... Trong 5 năm tới, Nghi Xuân ưu tiên phát huy tiềm năng, lợi thế, đẩy mạnh phát triển du lịch, thương mại và kinh tế biển đến năm 2020, với mục tiêu: Đưa Nghi Xuân sớm trở thành một trong những huyện mạnh về biển, giàu lên từ biển của tỉnh Hà Tĩnh; phấn đấu để đến năm 2020 các ngành kinh tế biển và ven biển đóng góp khoảng trên 45% GDP của huyện. Góp phần giải quyết tốt các vấn đề xã hội, giảm nghèo bền vững, cải thiện đời sống của nhân dân toàn huyện nói chung, của 10 xã vùng ven biển nói riêng.

 

Với tinh thần phát huy các giá trị văn hóa truyền thống cùng những thành tựu đạt được, tiếp tục khơi dậy các tiềm năng, lợi thế, nhất là tiềm năng về kinh tế biển, hy vọng Nghi Xuân sẽ có thêm điểm tựa để phát triển kinh tế - xã hội với tốc độ nhanh và bền vững; tạo tiền đề thực hiện thắng lợi mục tiêu sớm đưa Nghi Xuân hoàn thành tiêu chí huyện nông thôn mới vào năm 2020, là Trung tâm kinh tế - văn hóa phía Bắc tỉnh Hà Tĩnh.

Liên kết Liên kết

Thống kê trong ngày Thống kê trong ngày

Đang online : 2
Tất cả : 239.194

Sự kiện Sự kiện

Nội dung đang được cập nhật...