Thursday, 09/05/2024 | 17:41
Chào mừng các bạn đến với Cổng thông tin điện tử huyện Nghi Xuân
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Những giá trị mà danh nhân văn hóa thế giới - Đại thi hào Nguyễn Du để lại cho đời

Nguyễn Du (1765 - 1820), tên chữ là Tố Như, hiệu là Thanh Hiên. Theo Gia phả họ Nguyễn Tiên Điền, Nguyễn Du sinh ngày 23 tháng 11 năm Ất Dậu (1765) tại phường Bích Câu, Thăng Long, Hà Nội. Ông sinh ra trong một gia đình đại quý tộc, có thế lực lớn ở đương thời.

Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du (1765-1820)

Cha và anh trai cả của Nguyễn Du là Nguyễn Nghiễm và Nguyễn Khản đều đỗ đại khoa và giữ những vị trí nhất nhì trong triều Lê - Trịnh: Nguyễn Nghiễm làm đến Thượng thư bộ Lại kiêm Tham tụng, Nguyễn Khản  làm đến chức Thiếu bảo, Nhập thị Tham tụng (các chức này đều tương đương Tể tướng đầu triều). Do đó, tuổi thơ ấu của Nguyễn Du sống trong vàng son, nhung lụa, ông được theo cha tới học tại Quốc Tử Giám cùng các cậu ấm con quan. Tuy nhiên, cuộc sống này kéo dài không bao lâu, những biến cố dữ dội của thời đại và của gia đình đã ném cuộc đời của cậu ấm con quan Nguyễn Du ra giữa bão táp cuộc đời. 11 tuổi cha mất, 13 tuổi mẹ mất, Nguyễn Du phải đến ở với người anh cả khác mẹ là Nguyễn Khản để tiếp tục học hành. Năm mười tám tuổi, ông đi thi hương và đậu tam trường. 20 tuổi, sau cuộc binh biến Tây Sơn, Nguyễn Khản, chỗ dựa cuối cùng của Nguyễn Du cũng mất, dòng họ Nguyễn Tiên Điền cũng chịu cảnh tang thương cùng với sự sụp đổ của nhà Lê- Trịnh. Nguyễn Du bắt đầu cuộc đời lưu lạc, nay đây mai đó từ Bắc vào Nam, sau nhiều năm sống tại quê vợ ở Thái Bình, ông lại đưa gia đình về Tiên Điền sinh sống. Ông gọi quãng thời gian này là"Mười năm gió bụi" (Thập tải phong trần). Đau nỗi đau thời cuộc, lại hổ thẹn vì bản thân chưa làm được gì nên 30 tuổi tóc ông đã bạc trắng. Đây cũng là quãng thời gian Nguyễn Du có điều kiện gần gũi, tiếp xúc và hiểu được một cách sâu sắc về thế thái nhân tình và quyền lực đáng sợ của đồng tiền trong xã hội phong kiến đang dần suy vong. Ông đã chứng kiến tận mắt những cảnh “bãi bể hóa nương dâu”, cuộc sống xa hoa cũng như sự thống trị áp bức của giai cấp phong kiến, đời sống lam lũ và những đau khổ cùng cực vì nghèo đói và bất công của tầng lớp dân nghèo. Những điều này đã góp phần không nhỏ làm nên những giá trị vượt thời gian trong kiệt tác Truyện Kiều sau này.

Dòng họ Nguyễn Tiên Điền dâng hương trước mộ Đại thi hào Nguyễn Du nhân ngày giỗ lần thứ 203 của cụ.

Để có được một nhân cách Nguyễn Du, một tài năng Nguyễn Du, một nỗi đau thời đại Nguyễn Du và sự hóa thân của nhân cách ấy, tài năng ấy, nỗi đau ấy vào từng trang Kiều bất hủ, đó là sự hun đúc từ tinh hoa của truyền thống gia tộc, sự cuộn chảy của các dòng văn hóa lớn từ cha và mẹ, sự trải nghiệm đầy đau thương và khắc nghiệt hàng chục năm trời chốn nhân gian.Chúng ta biết rằng, họ Nguyễn Tiên Điền không chỉ là là một gia tộc danh gia vọng tộc với rất nhiều người đỗ đạt cao, làm quan lớn, có ảnh hưởng mạnh mẽ đến hệ thống chính trị thời Lê Trịnh mà còn rất nổi tiếng về Nho, Y, Lý số. Nguyễn Quỳnh ông nội Nguyễn Du là một nhà triết học chuyên nghiên cứu Kinh Dịch, một thầy thuốc giỏi. Nguyễn Nghiễm cha nguyễn Du là một sử gia, đồng thời là nhà thơ lớn. Nguyễn Khản anh cả Nguyễn Du giỏi thơ Nôm, là bạn tâm giao, thường xuyên thưởng trà đối thơ với Chúa Trịnh Sâm, là một trong những người dịch Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn ra tiếng Việt. Nguyễn Đề anh cùng mẹ với Nguyễn Du, Nguyễn Hành cháu gọi Nguyễn Du bằng chú ruột, đều là nhà thơ, nhà văn nổi tiếng, học vấn uyên bác. Đương thời, có 5 người tài hoa nhất về văn chương được suy tôn là “An Nam ngũ tuyệt” thì đã có 2 chú cháu Nguyễn Du và Nguyễn Hành... Và có thể nói, lớn lên trong một gia tộc như vậy, được đích thân cha yêu thương dạy dỗ, được anh cả Nguyễn Khản kèm cặp. Có thể nói, những hùng tâm tráng khí đất Hồng Lam và tinh hoa trác tuyệt của dòng họ đã thẫm đẫm, tuôn chảy mạnh mẽ trong dòng máu, trở thành tố chất của Đại thi hào từ thuở ấu thơ.

Có người cha tài hoa, mang nặng cốt cách văn chương của xứ Nghệ, là tác giả của rất nhiều bài hát nói (là chất liệu của ca trù, thể thơ độc đáo được sử dụng nhuần nhuyễn thi liệu trong thi ca dân gian Việt Nam với lối nói dân dã, giàu âm điệu). Nguyễn Du từ nhỏ rất được cha cưng chiều và cho đi theo các buổi trình diễn nhã nhạc cung đình, các không gian diễn xướng tại gia phủ.Mẹ Nguyễn Du là bà Trần Thị Tần, quê ở Kinh Bắc, Bắc Ninh, một vùng quan họ nổi tiếng, có truyền thống hát bội, bà nổi tiếng xinh đẹp,hát hay. Tuổi thơ bên mẹ với những câu hát ru dân ca quan họ, những đêm nghe hát ca trù, ví giặm ở tư gia đã nuôi dưỡng cái dịu dàng, nhã nhặn và phong lưu của xứ Kinh Bắc, tình yêu dung dị mà nồng nàn, mộc mạc mà thủy chungxứ Nghệ đã sớm kích thích năng khiếu văn học của Nguyễn Du có điều kiện nảy nở và phát triển rất sớm.

Nguyễn Du vốn đã rất vĩ đại nhưng ông trở nên vĩ đại hơn khi tiếng khóc thương vì số phận con người của ông được cả nhân loại nghe thấy. Ông khóc thương cho những con người bất hạnh trong xã hội như các em bé mồ côi không nơi nương tựa, các cô gái làm nghề kỹ nữ và bao kiếp người đau khổ khác.... Kiệt tác Truyện Kiều đã được dịch ra hơn 20 thứ tiếng với hơn 35 bản dịch, khiến nhân loại phải đi sâu tìm hiểu và chiêm ngưỡng. Năng lượng tỏa ra từ Truyện Kiều thật vô tận, Nguyễn Du giúp chúng ta nối dài vòng tay với nhân loại, gắn kết thế giới bằng chữ Tâm, chữ Tình. Truyện Kiều giống như một viên ngọc nhiều màu sắc, càng mài càng sáng, mỗi một con người và mỗi một dân tộc tự soi vào đó đều thấy số phận của mình. Nhà thơ Nga Va-xi-li Pô-pôp, người dịch Truyện Kiều sang tiếng Nga đã nói: “Đọc xong Truyện Kiều của Nguyễn Du, tôi trở thành một con người khác”. Nhà văn hóa Phạm Quỳnh viết: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn...”.Những giá trị văn hóa kiệt xuất mà Đại thi hào để lại thuộc về nhân dân, thuộc về dân tộc và thuộc về nhân loại và sẽ trường tồn cùng thời gian. Không chỉ vậy, sự nghiệp văn học mà Nguyễn Du để lại cho nhân loại cũng thật đặc sắc với những tập thơ chữ Hán đầy chất suy tư, trắc ẩn, chứa đựng những giá trị hiện thực lớn lao của cả một thời đại như Bắc hành tạp lục, Thanh Hiên thi tập, Nam trung tạp ngâm, bài Văn tế thập loại chúng sinh…. Những tác phẩm ấy đã tôn vinh vẻ đẹp của ngôn ngữ dân tộc, vẻ đẹp của thơ ca, của cốt cách và tâm hồn Việt Nam. Thơ Nguyễn Du vừa dạt dào yêu thương, vừa bừng bừng căm giận. Đây là chỗ đặc sắc và cũng là chỗ tích cực nhất trong nghệ thuật của Nguyễn Du. Tên tuổi và sự nghiệp của ông, đặc biệt là tác phẩm “Truyện Kiều”, đỉnh cao của nền văn học cổ điển nước nhà đã góp phần đưa văn học Việt Nam vượt ra khỏi bờ cõi quốc gia, trở thành một phần của tinh hoa văn hóa nhân loại, ghi dấu ấn của văn học Việt Nam trên thi đàn quốc tế.
 

Các thành viên Viện Nghiên cứu danh nhân dâng hoa trước mộ.

Qua Truyện Kiều, Nguyễn Du không chỉ kế thừa một cách sinh động tinh thần nhân văn và chủ nghĩa nhân đạo cao cả, các giá trị nhân bản của Phật giáo, Nho giáo, Đạo giáo và từ tín ngưỡng, phong tục, tập quán dân tộc mà còn nâng các giá trị đó lên một tầm cao mới mang giá trị nhân loại. Các tác phẩm của ông thể hiện lòng thương yêu con người tha thiết, ca ngợi vẻ đẹp thể chất và tâm hồn con người, khát vọng giải phóng họ khỏi sự áp bức, bất công, vươn tới tự do, bình đẳng, hạnh phúc. Con người với thế giới tâm hồn phong phú, với đời sống nội tâm sâu sắc, phức tạp và thân phận bi kịch của họ  được Nguyễn Du khám phá, phát hiện ở những tầng bậc sâu xa nhất. Tình yêu thương ấy không chỉ dành cho những con người bất hạnh khốn cùng mà cho cả nhân loại chúng sinh. Có thể nói, những tác phẩm của ông là một cái tát mạnh mẽ vào những quan điểm nho giáo lạc hậu, tư tưởng trọng nam khinh nữ của chế độ phong kiến, góp phần thay đổi nhận thức về thực trạng tư tưởng và thực trạng xã hội. Khát vọng tự do, công lý, khát vọng chính nghĩa được thể hiện một cách mạnh mẽ, đặc biệt qua hai nhân vật Từ Hải và Thúy Kiều. Những khát vọng đó cũng là khát vọng của bao đời, được thể hiện một cách mãnh liệt trong văn học dân gian và thể hiện một cách tài hoa trong tác phẩm của Đại thi hào. Và chính điều này đã đưa ông trở thành một trong những nhà tư tưởng lớn của thời đại.

Năm 1802, nhà Nguyễn xưng đế. Năm 1803, Nguyễn Du  được vua Gia Long mời ra làm quan. Đường công danh của Nguyễn Du dưới triều nhà Nguyễn khá thuận lợi. Ông thăng chức nhanh, giữ chức trọng, song chẳng mấy khi vui, thường u uất bất đắc chí. Ngẫm cũng đúng thôi. Sinh ở thời loạn lạc, chứng kiến cảnh loạn lạc tử ly, nhà tan cửa nát mà không thể vãn hồi, ông làm sao có thể yên vui nhận bổng lộc của triều đình mới. Sách Đại Nam Chính biên liệt truyện chép rằng ông làm quan hay bị người trên đè nén, không được thoả chí, cho nên thường buồn rầu. Đối với vua thì mỗi khi yết kiến ra vẻ sợ sệt, nhưng không biết nói năng gì. Thiết nghĩ, Nguyễn Du không phải là người buồn vì quan không được trọng dụng, không phải là người sợ hãi rụt rè, mà chỉ là thân triều mà lòng không quên chúa cũ. Nhưng tâm sự ấy khó ngỏ cùng ai, khó người thấu hiểu, nên Nguyễn Du thường có vẻ buồn rầu nên mới đưa ruột viết ra những tiếng thơ vượt thời đại:

Bất tri tam bách dư niên hậu /Thiên hà hà nhân khấp Tố Như ?

Tuy nhiên, chúng ta có thể chắc chắn rằng, tư duy của một nhà văn hóa, một nhà tư tưởng lớn vượt thời đại làm thay đổi một nền văn học đang luẩn quẩn trong tư duy Nho giáo và chói mắt trước ánh sáng thời đại sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến một Nguyễn Du ở chốn quan trường. Không dễ gì mà trong những tháng ngày làm quan với nhà Nguyễn, dẫu không tha thiết quan trường, ông vẫn liên tục được thăng chức, thăng hàm, được triều đình trọng vọng. Thời gian làm quan của Nguyễn Du không nhiều, chí hướng làm quan của Nguyễn Du không lớn, nhưng chắc rằng những tháng ngày làm tri huyện Phù Dung, tri phủ Thường Tín hay Cai Bạ dinh Quảng Bình và hơn 10 năm sau đó ở Phú Xuân, được phong từ chức “Đông các học sĩ” (1805), “Cần chánh điện học sĩ” ( 1813) đến “Hữu Tham tri bộ lễ” (1815), từ hàm tam phẩm đến hàm nhị phẩm, từ chủ khảo trường thi đến chánh sứ Trung Quốc, cho dẫu có khi nản lòng:

“Ngã dục quải quan tòng thử thệ

Dữ ông thọ tuế lạc cầm tôn”

(Ta mong treo mũ từ quan

Tuổi già vui thú rượu đàn cùng ông).

Bên cạnh một tầm nhìn vượt thời đại, một cốt cách tài hoa, một tâm hồn đầy yêu thương và nhân hậu như thế. Tin chắc rằng những điều mà ông làm được cho nước, cho dân là không hề tầm thường.Sử chép không nhiều nhưng đã chép đều thể hiện điều đấy. Khi làm Cai Bạ Quảng Bình: “... phàm những việc công trong hạt, ông đều đem bàn bạc, thương thuyết với các quan lưu thủ, ký lục để thi hành. Ông giữ chức cai bạ được 4 năm, chính sự giản dị, không cầu tiếng tăm nên được sĩ phu và nhân dân thân yêu”.

Xin trích lại một vài ghi chép người đương thời đã viết khi ông mất để ghi nhận những đóng góp của Đại thi hào:

“Tài kiêm Văn, võ:

... Khi trưởng thành Ất bảng chen tên, tài thư kiếm vang lừng hai vế

... Những muốn hùng binh mấy vạn rắp phen Trương Tử phục Hàn gia

Nội chính, Ngoại giao:

... Khi thủ hiến Tiên châu, khi Thần kinh lĩnh doãn, đức thanh cần thấm thía đến muôn dân.

Lúc Bắc hành chánh sứ, lúc Nam khuyết á khanh tài thao lước vang lừng trong hai nước”

(“Văn truy điệu Nguyễn Du” do Đào Tử Minh, Hội Tri Tân, viết ngày 10/8 Giáp thân 1944)

Khi ông mất ở Phú Xuân, vua Minh Mạng đã làm đôi câu đối:

“Nhất đại tài hoa, vi sứ, vi khanh sinh bất thiểm

Bách niên sự nghiệp, tại gia, tại quốc tử do vinh”

(Một đời tài hoa, đi sứ, làm quan sống chẳng thẹn

Trăm năm sự nghiệp, việc nhà, việc nước chết vẫn còn vinh).

Phía dưới câu đối có đề mấy chữ “Minh Mạng hoàng đế trang tặng”, và nhấn mạnh “trang tặng” chứ không phải “ban tặng”, thể hiện nhà vua rất yêu quý và tôn trọng Đại thi hào. Làm quan cũng phải thế nào thì yêu thương mới thành thế ấy.

 


Tác giả: Nguyễn Hải Nam

Liên kết Liên kết

Thống kê trong ngày Thống kê trong ngày

Đang online : 13
Tất cả : 255.813

Sự kiện Sự kiện